Nét mới trong phong cách kiến trúc Đông Dương ở Sài Gòn 

Thời kỳ Pháp thuộc, Sài Gòn là nơi đầu tiên của Việt Nam tiếp nhận nhiều trường phái của Phương Tây. Trong đó bao gồm cả lĩnh vực nghệ thuật trang trí. Điều này đã góp phần đáng kể trong việc hình thành diện mạo mới của kiến trúc & nghệ thuật của Tp Hồ Chí Minh hiện nay. Trong đó, không thể không kể đến sự đóng góp của phong cách Kiến trúc Đông Dương ở Sài Gòn – Indochine Style. 

kien-truc-dong-duong-o-sai-gon

Nét mới trong phong cách kiến trúc Đông Dương ở Sài Gòn 

Hình mẫu kiến trúc của Phương Tây khi áp dụng vào Sài Gòn tõ rõ nhiều bất cập. Vì vậy, năm 1923, KTS E. Hebrard đã đề xuất một cách thức thiết kế kiến trúc mới, gọi là Kiến trúc Đông Dương. Chủ trương của KTS là sử dụng giải pháp kết cấu, cấu tạo của kiến trúc bản địa để khắc phục những bất lợi về điều kiện thời tiết khí hậu. Điều này cho thấy sự thay đổi trong tư duy của các KTS và người Pháp: từ chỗ áp đặt hoàn toàn sang thừa nhận để thích nghi. 

Chịu ảnh hưởng từ mỹ thuật thời Nguyễn 

Về cơ bản, kiến trúc phong cách Đông Dương Sài Gòn vẫn sử dụng các Motip trang trí quen thuộc như: Ngũ Hành; Bát bửu; Hình bát giác; Hoa văn hình học – hồi văn chữ Vạn;… Ngoài ra, một số trang trí mỹ thuật trên kiến trúc Đông Dương chịu ảnh hưởng từ mỹ thuật thời Nguyễn. 

Chịu ảnh hưởng bởi quá trình giao thoa, tiếp xúc của lịch sử

Nhưng khi đối chiếu với phong cách Đông Dương tại Hà Nội, nhiều motip trang trí truyền thống đã không được ứng dụng như ở Sài Gòn. Ở Hà Nội, những motip thường là phần chắt lọc “tinh hoa” nhất của phương Đông như: Ngũ Hành; Hồi văn; chữ Hán; chữ Vạn; bát quái…  

Ở Sài Gòn, các hoa văn, đồ án … tiếp thu từ các nền văn minh khác trong quá trình giao thoa, tiếp xúc của lịch sử đã được biến đổi. Nhiều yếu tố văn hóa ngoại lai trong quá trình giao thoa được Việt Hóa. Đây chính là hiện tượng tiếp biến văn hóa/ bản địa hóa. 

phong-cach-kien-truc-dong-duong

Chỉ có 5/12 motip tương đồng với Kiến trúc Đông Dương ở Hà Nội

Cụ thể, Kiến trúc Đông Dương ở TPHCM gồm 12 motip cơ bản. Trong đó, 5/12 motip là tương đồng với kiến trúc phong cách Đông Dương ở Hà Nội. Bao gồm: Ngũ hành, Bát bửu, hình bát giác, hình học hồi văn, chữ Hán. 7/12 motip còn lại mang tính chất địa phương; là những hình mẫu trang trí có từ lâu đời, được lưu truyền trong kiến trúc truyền thống. Đó là: Tam đa, Tứ linh – Tứ quý- Tứ thời, Cửu cung, chim thú, thực vật, cửa võng, hoa chanh.

Kiến trúc phong cách Đông Dương ở Hà Nội

Xuất hiện chữ viết Latin

Một điểm khác biệt nữa của kiến trúc phong cách Đông Dương ở HCM là sử dụng hoa văn, chữ viết Latinh của phương Tây. Đây là sự kết hợp có tính chất tổng hợp nhất cho đến thời điểm đó: Việt – Hoa – Ấn – Pháp – Châu Âu. 

Màu sắc có khuynh hướng sử dụng gam màu sáng, rực rỡ 

Về màu sắc, các công trình có khuynh hướng ưa chuộng gam màu sáng, đậm và rực rỡ. Điều này đã tạo nên giá trị nghệ thuật riêng biệt cho các công trình phong cách Đông Dương tại TPHCM.

gam-mau-ruc-ro-hon

Như vậy, kiến trúc phong cách Đông Dương ở cả Hà Nội và TPHCM đều có cùng một xu hướng và tương đồng nhau trong việc vận dụng triết lý âm dương, các chủ đề, motip trang trí. Nhưng có sự khác biệt ở cách thể hiện, diễn tả chi tiết và kỹ thuật khi xây dựng công trình. Kiến trúc Đông Dương ở TPHCM là một hiện tượng văn hóa đáng chú ý của giai đoạn 1923 – 1942. Nó giống như một bước đột phá góp phần làm tăng giá trị kiến trúc, nghệ thuật trang trí của Việt Nam. 

Các công trình kiến trúc Đông Dương tiêu biểu ở Sài Gòn

Bảo tàng Nam Kỳ – TPHCM

Bảo tàng Nam Kỳ được xây dựng từ năm 1927 mang đặc trưng của phong cách Đông Dương. Sau này, để củng cố vai trò của người Pháp ở Nam Kỳ, bảo tàng Nam Kỳ đã đổi tên thành Bảo tàng Blanchard de la Brosse – lấy theo tên của thống đốc Nam Kỳ. 

Khu vực tòa nhà trước (vốn là Bảo tàng Blanchard de la Brosse) do kiến trúc sư Auguste Delaval thiết kế. Nơi này có tổng diện tích sử dụng là 2100m2. Đây là một trong những khối kiến trúc mang phong cách Đông Dương thời kỳ đầu rất rõ nét. 

kien-truc-dong-duong-o-sai-gon

Mặt bằng tổng thể gồm khối tháp bát giác, thiết kế trục đối xứng với 2 dãy nhà 2 bên tòa chính. Hoa văn trang trí mang đậm sự giao thoa văn hóa Việt – Pháp. Vật liệu, tường, mái có khả năng chịu lực tốt, chống ẩm, lấy sáng hiệu quả. 

Công trình sử dụng bộ mái dốc – 4 mái theo khuynh hướng kiến trúc nhà truyền thống ở Việt Nam. Toàn bộ lợp ngói âm dương, đua ra khỏi tường bằng hệ thống console.

Tòa nhà sau được thiết kế bởi kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng. Khối công trình có diện tích 1000m2, chữ U, không gian kiến trúc cảnh quan hài hòa. 

Từ năm 1956, Bảo tàng Nam Kỳ đổi tên thành “Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam” tại HCM. Đây là nơi trưng bày về mỹ thuật cổ của một số nước Châu Á. 

Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai 

Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai được đặt viên gạch đầu tiên vào năm 1913, đến năm 1915 hoàn thành. Ngôi trường là thành quả từ sự đấu tranh kiên quyết của nhóm tri thức yêu nước nhằm quyết tâm thay đổi nền giáo dục trọng nam khinh nữ. Vì thế, sau khi xây dựng xong, ngôi trường có tên ban đầu là Trường của những Thiếu nữ Bản xứ. 

truong-thpt-nguyen-thi-minh-khai-sai-gon

Đặc trưng kiến trúc của trường là phong cách Gothic phổ biến đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, các KTS vẫn khéo léo pha trộn nét văn hóa Á Đông, nhiệt đời để phù hợp với thời tiết Sài Gòn lúc bấy giờ. Các chi tiết được thể hiện rất rõ ở hệ mái dốc, hành lang dài,… Vì thế, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cũng là một công trình kiến trúc phong cách Đông Dương tiêu biểu của Sài Gòn. 

Trường Petrus Ký – trường THPT chuyên Lê Hồng Phong 

Trường Petrus Ký được thiết kế bởi KTS người Pháp Ernest Hébrard. Ông cũng là người đặt nền móng phát triển phong cách kiến trúc Đông Dương ở Việt Nam. Đây cũng là công trình duy nhất của ông ở Sài Gòn. 

truong-petrus-ky

Ngôi trường bắt đầu xây dựng từ năm 1925, đến 1928 thì hoàn thành với tên gọi ban đầu là Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký. Hiện nay đổi tên thành trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Năm 2015, trường được công nhận là di sản kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Kết cấu tổng thể vẫn dựa vào kiến trúc Pháp với hệ thống tường dày, mái vòm, trụ trang trí, lan can con tiện theo kiểu Pháp. Tuy nhiên phía trên lại dùng mái ngói âm dương lợp dốc theo kiến trúc Á Đông để thoát nước. 

kien-truc-truong-thpt-chuyen-le-hong-phong

Temple de Souvenir (đền Kỷ niệm) nay là đền thờ vua Hùng

Temple de Souvenir (đền Kỷ niệm) là công trình theo phong cách kiến trúc Đông Dương đầu tiên được xây dựng ở TpHCM. Ngồi đền do người Pháp xây dựng để tưởng niệm những người Việt tử trật vì đi lính cho pháp trong chiến tranh thế giới thứ I.  Nay là Đền thờ vua Hùng, tọa lạc tại số 2, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bến Nghé, Quận 1. Công trình có kiến trúc gần giống các đền ở Huế. Bao gồm bộ mái chồng diêm, hàng hiên phía trước, họa tiết rồng phượng

Temple-de-Souvenir

Nhà mồ Trương Vĩnh Ký 

Nhà mồ Trương Vĩnh Ký là công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương được xây dựng năm 1928. Trương Vĩnh Ký theo Thiên chúa giáo nhưng cổng lăng của ông lại được thiết kế theo kiểu Tam Quan. Góc mái cong lên như mái đình, mái chùa. Khu nhà mồ xây theo hình bát giác kết hợp với họa tiết trang trí kiểu Pháp – Việt mang lại hài hòa về mĩ thuật. 

kien-truc-dong-duong-o-sai-gon

Chợ Bình Tây 

Chợ Bình Tây cũng là một công trình kiến trúc Đông Dương tiêu biểu ở HCM được xây dựng năm 1928. Năm 2015 được TPHCM công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật tại TPHCM. Khu chợ là khối kiến trúc đồ sộ, quy hoạch trên diện rộng. 

Công trình sử dụng xi măng cốt thép của Pháp nhưng lại dùng nhiều họa tiết trang trí đậm kiến trúc Á Đông. Trong đó rõ nhất và kiến trúc Trung Hoa và bản địa truyền thống. Phía trên lợp ngói âm dương. Giữa cổng chợ là một tháp lầu cao, bố phía có đồng hồ lớn; trên góc mái và đỉnh của tòa tháp này có hình rồng đắp nổi. 

kien-truc-cho-binh-tay

Kết luận

Mặc dù tiến hành xâm lược thuộc địa tàn bạo, nhưng không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của các Kiến trúc Sư Pháp trong việc mang lại diện mạo mới cho kiến trúc ở Việt Nam. Điều này được thể hiện trên cả 2 phương diện: hình thức biểu thị và nội dung tư tưởng truyền đạt. 

Kiến trúc Đông Dương ở Sài Gòn vẫn theo các motip trang trí, dạng thức bố cục, ý nghĩa và tượng trưng của văn hóa truyền thống bản địa. Tuy nhiên có sự biến đổi để tương thích hơn với điều kiện thời tiết khí hậu. Những công trình hiện hữu cho đến thời điểm hiện tại là minh chứng rõ nhất cho điều đó.